Sinh vào thời loạn, bỏ nhà vì chủ Độc Cô Tín

Khi Như Nguyện ra đời cũng là lúc cuộc Hán Hóa của Hiếu Văn đế Nguyên Hoành đã khiến cho tầng lớp quý tộc Tiên Ti lưu thú biên cương phía bắc bị đào thải, địa vị dần trở nên thấp kém. Binh sĩ đồn thú không được đảm bảo điều kiện sinh hoạt, thậm chí còn bị xem là nô lệ. Năm Chánh Quang thứ 5 (524), người dân tộc Cao Xa ở trấn Cao Bình [1] là Hồ Sâm (hay Thâm) được cử làm Cao Bình vương, dựng cờ khởi nghĩa. Sau khi hạ được trấn Ốc Dã, Hồ Sâm lệnh cho biệt tướng Vệ Khả Cô (hay Côi) tấn công 2 trấn Hoài Sóc, Vũ Xuyên. Bọn cường hào Vũ Xuyên là Hạ Bạt Độ Bạt, Vũ Văn Quăng nghe tin, khẩn cấp tổ chức lực lượng vũ trang địa phương nhằm chống lại. Như Nguyện vốn bất mãn chính quyền Bắc Ngụy, vì lợi ích gia tộc cũng tham gia lực lượng này. Tuy bọn họ tập kích giết được Vệ Khả Cô, nhưng ngọn lửa khởi nghĩa vẫn bùng cháy dữ dội. Hạ Bạt Độ Bạt tử trận, dân quân tan rã. Như Nguyện dời nhà đến huyện Định Chân, quận Trung Sơn [2]. Chưa yên ổn được lâu, Cát Vinh khởi nghĩa ở thành Tả Nhân, Định Châu [3]. Để tránh bị giết hại, Như Nguyện đành gia nhập nghĩa quân.

Lúc này ông đã là 1 thiếu niên tướng mạo khôi ngô, phong lưu lỗi lạc, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, thích phục sức hoa lệ, trong quân đều gọi là Độc Cô Lang. Năm Vũ Thái đầu tiên (528), Cát Vinh giao chiến với Nhĩ Chu Vinh ở Phũ Khẩu, khinh địch nên đại bại. Nhĩ Chu Vinh thấy Như Nguyện là quý tộc Tiên Ti, lại là thiếu niên anh dũng, khí độ bất phàm, bèn dùng ông làm biệt tướng. Không lâu sau, ông theo quân chinh thảo Hàn Lâu, 1 ngựa khiếu chiến, bắt sống Ngư Dương vương Viên Tứ Chu của nghĩa quân, nhờ công được bái làm Viên ngoại tán kỵ thị lang. Sau đó ông chuyển sang làm Kiêu kỵ tướng quân, trấn thủ Phũ Khẩu. Đến khi Nguyên Hạo tiến vào Lạc Dương, Như Nguyện nhận lệnh theo tiền khu, lập công ở Hà Bắc, được bái làm An Nam tướng quân, ban tước Viên Đức huyện hầu (愛德縣侯).

Năm Kiến Minh đầu tiên (530), Như Nguyện ra làm trấn tướng của Tân Dã, Kinh Châu, đeo ấn Tân Dã quận thú. Sau đó dời sang làm Đại đô đốc Phòng Thành, Kinh Châu, đeo ấn Nam Hương quận thú. Ở cả hai nơi, ông đều có thành tích. Hạ Bạt Thắng ra giữ Kinh Châu, xin lấy Như Nguyện làm Đại đô đốc. Ông theo Thắng đánh nhà Lương, phá được Hạ Trá thú, dời sang làm Vũ vệ tướng quân. Em Thắng là Nhạc bị Hầu Mạc Trần Duyệt sát hại, Thắng sai Như Nguyện vào Quan Trung tiếp nhận quân đội của Nhạc. Đến nơi thì bộ hạ của Nhạc đã đề cử Vũ Văn Thái lên nắm quyền, Như Nguyện và Thái là đồng hương, từ nhỏ đã thân thiết, trưởng thành kề vai chiến đầu, nên gặp lại rất đỗi vui mừng. Thái nhân đó để Như Nguyện đi Lạc Dương, báo lên triều đình, ở Ung Châu (trị sở là Trường An [4]), gặp được đại sứ Nguyên Bì đang đến Quan Trung, nên giữa đường quay về Kinh Châu.

Sau đó ông lại được triệu vào triều, rất được Hiếu Vũ đế Nguyên Tu tín nhiệm. Khi Hiếu Vũ đế chạy vào Quan Trung, sự việc bất ngờ, Như Nguyện đành 1 ngựa đuổi theo, đến sông Triều Giản [5] thì bắt kịp. Hiếu Vũ đế than rằng: "Vũ Vệ lìa cha mẹ, dứt vợ con mà đi theo trẫm. Thời loạn biết trung lương, lời này quả là thực chứ không phải giả!", lập tức ban cho 1 thớt ngự mã, tiến tước Phù Dương quận công (浮陽郡公), thực ấp 1000 hộ.

Liên quan